Có được ủy quyền làm thủ tục bồi thường bảo hiểm xe cơ giới?

Con ông V. có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Vào thời điểm xảy ra tai nạn vẫn còn hiệu lực bảo hiểm. Nay, do con ông đang bị tạm giam, không thể làm hồ sơ thông báo yêu cầu bồi thường để hỗ trợ phần nào cho bên bị nạn (bên thứ 3), cũng như có thể có được sự khoan hồng, giảm án cho con trai ông.

Ông V. hỏi, ông có thể thay con trai làm việc với công ty bảo hiểm hay không?

Về vấn đề này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo Điểm e Khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

"1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây: 

… e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;".

Theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015: "1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự".

Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định: 

"2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: 

… đ) Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật".

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm:

"Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

1. Khi tai nạn xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm:

a) Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn;

b) Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

c) Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định này;

d) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.

2. Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm".

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP:

"5. Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.

6. Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền".

Đề nghị ông căn cứ quy định pháp luật nêu trên để nghiên cứu, thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Theo Mai Chi (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/co-duoc-uy-quyen-lam-thu-tuc-boi-thuong-bao-hiem-xe-co-gioi-102240606151457275.htm