PV: Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khả quan. Ông đánh giá như thế nào về mức phục hồi của nền kinh tế nước ta trong nửa đầu năm 2024?
TS. Đinh Thế Hiển: Qua 5 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế bắt đầu có những tiến triển tốt, nổi bật nhất là hai chỉ tiêu về công nghiệp và thu hút FDI. Cụ thể, về công nghiệp, hầu như các ngành chủ lực đều tăng trên 10%, riêng ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 tăng 6,8% so với cùng kỳ của năm 2023. Điều này cho thấy ngành công nghiệp phục hồi rất rõ nét, tôi tin rằng 6 tháng còn lại vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
Về FDI, điều quan tâm nhất là vấn đề giải ngân, trong 5 tháng đầu năm nước ta giải ngân đạt 8,25 tỷ USD, mức cao so với 5 năm vừa qua.
Về cân đối ngân sách, trong 5 tháng đầu năm thu ngân sách tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023, chi ngân sách tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Nhà nước đã có nguồn lực chi cho nền kinh tế tiếp tục thúc đẩy kinh tế.
Về thương mại tiêu dùng, 5 tháng đầu năm 2024 ngành tiêu dùng tăng 8,7% so với năm trước, tuy chưa đạt kỳ vọng, nhưng vẫn là kết quả khả quan. Còn về xuất nhập khẩu, vẫn có xu thế tích cực, xuất khẩu tăng 15% và nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu đạt 8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Điểm đáng chú ý là nhập khẩu nước ta tăng 18%, nhờ vào nhu cầu nhập hàng nhiều. Dù trên đà hồi phục, nhưng nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân có thể chấp nhận chịu đựng kinh tế khó khăn năm 2024, thậm chí 2025, nhưng sự chịu đựng này phải dựa trên sự cải thiện của nền kinh tế bền vững.
PV: Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, một loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí tiếp tục được Chính phủ đề xuất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ông nhìn nhận ra sao về chính sách này?
TS. Đinh Thế Hiển: Việc giảm thuế, phí là rất cần thiết, giúp thúc đẩy nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, chúng ta không nên kỳ vọng ở một kết quả tức thời, mà nó sẽ có giá trị tác động từ từ. Nền kinh tế đang gặp khó do nhiều nguyên nhân, chúng ta cần gỡ khó đồng bộ và từng bước.
Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tốt hơn dựa trên xuất khẩu tiếp tục tăng và thị trường bất động sản đang từng bước hồi phục. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy kinh tế, khắc phục khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 và suy thoái thị trường bất động sản. Để giải quyết vấn đề này thì giảm thuế, phí là một trong những chính sách quan trọng, tuy nhiên cần nghiên cứu triển khai đồng bộ với nhiều cơ chế, chính sách khác.
Hiện người dân, doanh nghiệp đang được thụ hưởng việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm nay, nếu chính sách này tiếp tục được duy trì 6 tháng cuối năm thì dự kiến người dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.
PV: Tuy vậy, việc thực hiện chính sách này xét về lâu dài thì sao, thưa ông?
TS. Đinh Thế Hiển: Quan trọng là cần có cái nhìn dài hạn để có chính sách thuế, phí phù hợp hơn, vừa hợp lý với doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho người dân mà lại tăng thu được cho ngân sách. Đó là giảm thuế phí như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tăng cường thu đúng, thu đủ về cho ngân sách nhà nước, từ đó có nguồn lực cho đầu tư phát triển, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhìn lại chính sách thuế, phí của Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cho hợp lý hơn, những đối tượng sản xuất như doanh nghiệp và đối tượng tiêu dùng trực tiếp thì nên tìm cách giảm xuống. Còn những đối tượng có sự gia tăng về thu nhập như: Thu lợi nhuận cho tài sản cá nhân; từ kinh doanh mua bán đất đai, bất động sản; đầu tư... thì phải có một mức thu hợp lý, có thể cao hơn để vừa tăng thu ngân sách, vừa điều tiết được thị trường, giảm đầu tư. Nguyên tắc là không cào bằng.
Ngoài ra, phí cầu đường cũng cần được xem xét lại để bảo đảm thu phí cầu đường hợp lý cho doanh nghiệp và người dân. Bởi, hiện chi phí làm đường tại Việt Nam tương đối cao. Một số chuyên gia cho rằng, đơn giá đầu tư hạ tầng giao thông nước ta nằm trong nhóm cao nhất thế giới, do vậy, dẫn đến phí cầu đường cũng sẽ cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng gánh nặng nên người dân.
Việc chúng ta mở mang đường cao tốc, phát triển giao thông là cần thiết để phát triển kinh tế, nhưng chi phí quá cao thì cuối cùng phí cầu đường sẽ cấn vào doanh nghiệp, hàng hóa và lại quay về nền kinh tế, quay về người dân, làm suy yếu đi năng lực cạnh tranh, làm suy yếu đi mức sống của người dân. Như vậy, ngoài việc nỗ lực giảm thuế, còn cần hoàn thiện chính sách thuế. Làm được như vậy thì mới tăng được năng lực kinh tế.
Mặt khác, nền kinh tế vẫn cần có thời gian phục hồi sau giai đoạn thị trường bất động sản bị suy thoái nặng, ảnh hưởng liên đới đến nhiều ngành kinh tế khác. Xuất khẩu cũng hồi phục từng bước trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn khó khăn. Do đó, cần nhấn mạnh lại, để kinh tế trở lại đà tăng trưởng như kỳ vọng, việc nghiên cứu thực hiện các gói hỗ trợ, tăng cường phối hợp đồng bộ các chính sách trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chính sách thuế, phí không cào bằng
Nhìn lại chính sách thuế, phí của Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện cho hợp lý hơn. Những đối tượng sản xuất như doanh nghiệp và đối tượng tiêu dùng trực tiếp thì nên tìm cách giảm xuống. Còn những đối tượng có sự gia tăng về thu nhập thì phải có một mức thu hợp lý, có thể cao hơn để vừa tăng thu ngân sách, vừa điều tiết được thị trường, giảm đầu tư, trên nguyên tắc là không cào bằng. TS. Đinh Thế Hiển
Theo Lạc Nguyên T(hời báo Tài chính Việt Nam)
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phoi-hop-dong-bo-cac-chinh-sach-de-ho-tro-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te-152290.html