Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Thái Lan nên khâu chế biến, bao gói cần đáp ứng nhu cầu, sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với sản phẩm đóng gói, chế biến sẵn với nhiều kích thước, nhất là xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, hữu cơ, thân thiện với môi trường tại Thái Lan trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình và điều kiện để xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng đồng thời cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục tham dự các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác phù hợp, quảng bá thương hiệu trên cơ sở niềm tin sẵn có của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu hàng hoá với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Đặc biệt, trên cơ sở nền tảng vững chắc và tốt đẹp đã và đang được xây dựng, với nỗ lực, quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và sự quan tâm, đồng hành của doanh nghiệp, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Thái Lan chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu mới và có thêm nhiều động lực phát triển.
Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6 tháng 8 năm 1976. Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trong gần 50 năm qua và kể từ khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược tăng cường (năm 2015) ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất trên cơ sở tôn trọng, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi.
Thời gian qua, hợp tác thương mại giữa hai nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn, rõ nét về cả chất và lượng. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 (sau Malaysia) của Thái Lan trong ASEAN.
Riêng giai đoạn 2013 – 2023, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng từ 10,5 tỷ USD (năm 2013) lên gần 19 tỷ USD (năm 2023). Đặc biệt năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt giá trị 21,6 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD. Hiện nay, hai nước đang hướng tới mục tiêu sớm đạt kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.
Cũng theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Thái Lan ngày càng phát triển. Tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại giữa hai nước.
Tại Kỳ họp, hai bên đã rà soát, cập nhật tình hình hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng giữa hai nước, đồng thời trao đổi các biện pháp nhằm tháo gỡ các vấn đề nổi cộm, vướng mắc.
Cùng đó, hai Bộ trưởng cũng đưa ra định hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới như giảm tối đa việc áp dụng, đồng thời tìm phương hướng giải quyết các rào cản thương mại không cần thiết. Điều này nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các chuỗi cung ứng; thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các cơ quan phụ trách lĩnh vực phòng vệ thương mại, phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, khuyến khích các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan làm cầu nối đưa hàng hoá Việt Nam đến với người tiêu dùng Thái Lan và người tiêu dùng tại các nước mà Thái Lan có đầu tư phát triển hệ thống phân phối...
Hơn nữa, việc nghiên cứu chính sách, dự báo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng được Bộ Công Thương chú trọng, đẩy mạnh. Cụ thể, các hoạt động như biên soạn ấn phẩm “Giới thiệu thị trường Thái Lan và tác động của các biện pháp phi thuế quan”, hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan, Hội thảo giới thiệu thị trường ASEAN và hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sang ASEAN, ... đã có tác động rất tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Thông qua các cẩm nang, tin bài, cũng như hoạt động tư vấn, hỗ trợ, doanh nghiệp đã có cái nhìn rõ hơn về thị trường Thái Lan, nắm được nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan cũng như các chính sách xuất nhập khẩu mới, những điều cần lưu ý trong hoạt động kinh doanh với các đối tác Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng nối lại hoạt động kinh doanh với các đối tác Thái Lan sau khi được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, hội thảo kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm tại thị trường Thái Lan cho doanh nghiệp. Qua đó, nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước Bạn, góp phần giảm bớt tình trạng nhập siêu từ thị trường này.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết thêm, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Central – một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất của Thái Lan, tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan. Năm 2023, Tuần hàng tiếp tục được tổ chức tại Trung tâm thương mại Central World – Trung tâm thương mại lớn nhất tại Băng Cốc với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất của Việt Nam được tổ chức tại Thái Lan nói riêng và tại các nước Đông Nam Á nói chung. Các hoạt động này được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm ủng hộ, tham gia và đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho các doanh nghiệp. Thông qua các chương trình này, doanh nghiệp đã tìm được đối tác, bạn hàng mới và tiềm năng, trực tiếp ký kết được nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác Thái Lan tại các sự kiện.
Theo
https://bnews.vn/nam-bat-thi-hieu-tieu-dung-de-day-manh-xuat-khau-sang-thai-lan/336419.html