Chủ tịch FPT Semiconductor: 'Ngành bán dẫn là cốt lõi phát triển kinh tế số'

Xung quanh câu chuyện này, Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) – thành viên Tập đoàn FPT.

- Ông đánh giá thế nào về nền công nghiệp bán dẫn hiện nay và vì sao Việt Nam cần phát triển ngành bán dẫn vào thời điểm này?

Ông Trần Đăng Hòa: Bán dẫn là ngành lõi của tất cả các ngành, với quy mô 600 tỷ USD; bao trùm quanh vùng lõi này là ngành thiết bị điện tử, với quy mô khoảng 6.000 tỷ USD; bao trùm ngoài cùng chính là ngành kinh tế số với quy mô 30.000 tỷ USD. Do đó, phát triển ngành bán dẫn là cách giúp Việt Nam nắm được “lõi của lõi”.

Trước giờ, bán dẫn là ngành khá đặc thù và cần chuyên môn cao, do đó chỉ có một vài nước có thể tham gia như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu khác. Gần đây xuất hiện nhiều thay đổi về các vấn đề chính trị trên thế giới tạo cho Việt Nam cơ hội để tham gia vào lĩnh vực này.

Tôi cho rằng đây là cơ hội “nghìn năm có một” để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng trong ngành bán dẫn. Nếu Việt Nam muốn phát triển nền kinh tế số thì việc phát triển ngành bán dẫn chính là điều cốt lõi nhất.

- Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về các chủ trương liên quan đến ngành công nghiệp này ở Việt Nam?

Như tôi đã nói ở trên, rõ ràng đây là cơ hội chỉ đến vào lúc này và Việt Nam cũng chỉ là một lựa chọn giữa những đối thủ khác như Ấn Độ, Malaysia… Do đó, chúng ta cần làm mọi thứ thật nhanh để có thể nắm bắt được cơ hội này.

Tôi đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, cũng như các Bộ, ban, ngành và các địa phương. Tất cả đều đang vào cuộc để nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực này.

Hiện Chính phủ cũng đang thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là yếu tố quan trọng để sớm đạt mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang soạn thảo chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Kết hợp với các chuyến thăm ngoại giao của lãnh đạo nhà nước để hỗ trợ hợp tác trong lĩnh vực.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS)

- Ngành công nghiệp bán dẫn đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta cũng phải chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể đi tắt đón đầu và gia tăng khả năng cạnh tranh?

Cơ hội rất rõ ràng nhưng ngành bán dẫn cũng tồn tại rất nhiều rào cản và đó là lý do vì sao chưa nhiều quốc gia trên thế giới có thể phát triển được lĩnh vực này. Quan trọng nhất là nguồn lực, khi các doanh nghiệp lớn muốn vào Việt Nam để phát triển ngành bán dẫn thì đầu tiên phải có nhân lực chất lượng cao. Đó cũng là lý do vì sao chiến lược phát triển nhân lực ngành bán dẫn cần phải thực hiện tốt và nhanh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những hỗ trợ, ưu đãi với các doanh nghiệp phát triển ngành bán dẫn. Đó có thể là các ưu đãi về thuế, về đất đai, về điện nước, logistics… Nếu tiếp tục chu trình “thiết kế ở chỗ này, sản xuất ở một chỗ khác, đóng gói kiểm thử lại ở một chỗ khác nữa”… sẽ gây tốn kém. Với vị thế của Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể rút gọn được chu trình đó.

Đồng thời, chúng ta cũng cần có những cơ chế tốt để khuyến khích và thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này trên thế giới chuyển tới Việt Nam làm việc. Chúng ta có đội ngũ Việt kiều có trình độ cao và đã thành danh trong lĩnh vực này, do đó cần nghiên cứu để kêu gọi họ trở về Việt Nam để cống hiến.

- Từ góc độ là doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm bán dẫn, FPT Semiconductor đã nhìn thấy những cơ hội gì, thưa ông?

Cần phải xác định rằng những gì mà Việt Nam đã thực hiện được trong ngành bán dẫn so với thế giới chỉ là “những bước đi chập chững”, chúng ta nhìn thấy tương lai tươi đẹp, nhưng so với những gì mà Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… đã làm được thì chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ngành lập trình với ngành bán dẫn cũng khá gần nhau, đều là tính toán, xử lý… và chúng tôi nhìn thấy rằng với một ngành phần mềm thành công như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một ngành bán dẫn tương tự như những gì đã làm vào 10 năm trước.

Nghĩ là làm, chúng tôi bắt đầu quy tụ anh em lập trình, quá trình làm việc các anh em cũng tích luỹ được nhiều kiến thức và dần dần chúng tôi cũng làm ra được những con chip đầu tiên và đến nay thì đã xuất khẩu được hơn 70 triệu chip sang các nước trên thế giới.

- Hiện FPT Semiconductor đang tập trung vào những dòng sản phẩm nào và lợi thế cạnh tranh của những sản phẩm này là gì, thưa ông?

Con chip đầu tiên mà chúng tôi sản xuất là dòng chip nguồn. Tức là loại chip chuyên để quản lý nguồn điện. Đây là con chip mà bất kể thiết bị nào cũng cần. Năm 2022, màn ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế được xem là một bước đột phá. Thời gian tới, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.

Gần đây, chúng tôi nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong năm 2024 và 2025 cho các khách hàng ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và ứng dụng điện tử. Hiện tại, FPT Semiconductor đang phát triển 25 dòng chip. Đa phần các dòng chip này đều thuộc công nghệ tầm trung với kích cỡ từ 28nm - 130nm.

Đây là các dòng chip phổ biến với công nghệ vừa phải. Bởi công nghệ cao thì cạnh tranh rất gắt gao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào công nghệ tầm trung nữa. Đặc biệt, các dòng chip này có chi phí đầu tư và chi phí sản xuất phù hợp, giá thành bán cạnh tranh, vì thế đây sẽ là chiến lược để FPT Semiconductor gia nhập và thành công trong thị trường này.

- Ngoài giá trị thương mại, việc dốc sức để xây dựng nền công nghiệp bán dẫn của FPT Semiconductor ắt hẳn cũng không phải để “làm màu” chứ, thưa ông?

Ngành bán dẫn có thể gọi là một ngành cao cấp mà chỉ một vài nước trên thế giới có thể có khả năng đáp ứng được và Việt Nam cũng đang có cơ hội trở thành một trong những quốc gia làm được việc này. Với tinh thần này, FPT Semiconductor sẽ thực hiện sứ mệnh tiên phong, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thể tự sản xuất chip, tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn.

FPT Semiconductor mong muốn đào tạo 10.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ đó, Đại học FPT đã thành lập khoa vi mạch đầu tiên tại Việt Nam. FPT Semiconductor cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco - đối tác công nghệ lớn từ Mỹ để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và đẩy mạnh kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Chắc chắn, chip là lĩnh vực tiềm năng, nhưng lại có nhiều rào cản cho người mới. Chúng tôi đã rất dũng cảm thì mới dám dấn thân.

Theo Ngọc Lưu (thực hiện) (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)

https://vietnamfinance.vn/nganh-ban-dan-la-cot-loi-phat-trien-kinh-te-so-d110878.html