Phát biểu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 1/2024, diễn ra chiều 24/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhận định, sự phục hồi kinh tế của tỉnh và khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tuy có những dấu hiệu đáng mừng, song chưa được như kỳ vọng. Tỉnh mong muốn được nghe nhiều ý kiến đóng góp với tinh thần thẳng thắn để lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, địa phương tiếp tục giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp… nhằm góp phần vào sự phục hồi, phát triển kinh tế chung của Kiên Giang và của các doanh nghiệp.
Buổi đối thoại đã ghi nhận nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề về: chính sách, quy trình tháo gỡ nguồn vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thế giới có biến động lớn trong giai đoạn hiện nay; có chính sách thuế phù hợp đối với ngành sản xuất bia; giảm tần suất thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách của nhà nước; vấn đề nguồn nhân lực; đơn giản các thủ tục hành chính; duy trì chính sách miễn giảm thuế VAT để kích cầu thị trường tiêu thụ nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm đóng hộp ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Trung Sơn (trụ sở tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), những năm qua, sản phẩm cá đóng hộp của công ty không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, giá trị mang lại chưa cao vì thị trường tiêu thụ nhiều năm qua chủ yếu trong nước. Ông Hùng đề xuất Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ công ty mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá đóng hộp ra nước ngoài.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Kiên Giang đề xuất các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ vay, gia hạn nợ và điều chỉnh số tiền trả nợ gốc. Cùng với đó, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thuế, gia hạn, giãn nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và các thuế khác có phát sinh (các chính sách miễn giảm thuế hiện nay chỉ áp dụng cho các ngành nghề khác, riêng ngành sản xuất bia thì không được hỗ trợ).
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cảm ơn các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, đã đóng góp ý kiến, kiến nghị. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố 2 lần/tháng tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiên cứu áp dụng các cơ chế có lợi cho doanh nghiệp và tạo môi trường thông thoáng, điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tỉnh giải quyết thuộc thẩm quyền, đồng chí Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện, có văn bản trả lời cho doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; vấn đề vượt thẩm quyền đề xuất ngay với Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết. Đối với các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của tỉnh, sẽ ghi nhận, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền giải quyết.
Ông Lâm Minh Thành cũng đề nghị các hội, hiệp hội phát huy hơn nữa vai trò kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thích ứng với tình hình mới. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực sản xuất; mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực và thế giới.
“Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các kiến nghị còn chưa thỏa đáng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp... Đồng thời, đề nghị cơ quan Thuế, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí; gia hạn, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chủ trương của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, đầu tư, kinh doanh” Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, năm 2023 tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và phục hồi nhanh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 73.300 tỷ đồng, đạt 100,68% kế hoạch, tăng 6,79%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,74 triệu đồng. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước tính trên 15.000 tỷ đồng, đạt 124% dự toán, tăng hơn 22 % so cùng kỳ. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 15.900 tỷ đồng, đạt 100% về số lượng và đạt 66,0% về số vốn so với kế hoạch. Lũy kế, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.971 doanh nghiệp, vốn đăng ký gần 208.000 tỷ đồng.
Theo
https://bnews.vn/doanh-nghiep-tai-kien-giang-kien-nghi-giam-tan-suat-thanh-tra-kiem-tra/334305.html