Giá vàng thế giới gần đây liên tục phá đỉnh kéo giá vàng trong nước tăng cao. Điều này tạo nên các cơn sốt giá vàng và thách thức lớn cho cơ quan chức năng trong bình ổn giá vàng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện song song hai giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng. Thứ nhất là tăng cung vàng miếng thông qua các phiên đấu thầu vàng miếng sắp tới. Thứ hai, phối hợp với cục quản lý thị trường để thanh kiểm tra các tiệm vàng, kiểm soát lại việc nhập lậu vàng trong thời gian qua cũng như tăng tính minh bạch cho thị trường.
Cụ thể, ngày 22/2, NHNN đấu thầu vàng miếng với kỳ vọng tăng cung cho thị trường. Tuy nhiên, giá khởi điểm đấu thầu vàng miếng khá cao 81,8 triệu đồng/lượng, gần với mức giá bán vàng miếng trên thị trường là 83-84 triệu đồng/lượng. Với mức giá này sẽ khó để có thể đưa giá vàng miếng giảm mạnh và rút ngắn chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới trong thời gian tới. Bởi doanh nghiệp khi trúng thầu vàng cũng cần phải thêm một vài phần trăm lợi nhuận trước khi bán ra thị trường. Bên cạnh đó, việc đấu thầu với khối lượng tương đối thấp chỉ khoảng 17.000 lượng 1 phiên cũng mang tính chất trấn an tâm lý của nhà đầu tư hơn là so với việc giải nhiệt nhu cầu vàng đang tăng cao hiện nay.
Chính vì thế, biện pháp này được xem như là chữa cháy tạm thời, và hy vọng có thể ổn định phần nào thị trường vàng trong ngắn hạn trong khi chờ những giải pháp lâu dài hơn từ NHNN và Chính phủ, như việc cho phép nhập khẩu vàng hay xây dựng sàn giao dịch vàng trong thời gian tới.
Về việc kiểm soát thị trường vàng minh bạch hơn, yêu cầu việc mua bán vàng phải có hóa đơn chứng từ, tịch thu, xử phạt các tiệm vàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ vàng mua là cần thiết để giúp thị trường vàng phát triển một cách lành mạnh và hạn chế được tình trạng nhập lậu vàng đang rất bức xúc trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng sẽ vô tình làm thắt cung, điều này có thể dẫn đến việc gia tăng sự khan hiếm vàng trong nước làm cho giá vàng nhẫn và trang sức tiếp tục tăng cao trong thời gian tới theo quy luật cung cầu.
Bên cạnh đó, các tiệm vàng nhỏ lẻ và kể cả các tiệm vàng lớn từ trước đến nay vẫn phải mua vàng trôi nổi từ trong dân chúng, bởi hơn mười năm nay Việt Nam không nhập khẩu vàng chính ngạch. Do vậy, việc yêu cầu hóa đơn đầu vào và chứng minh nguồn gốc đầu vào của vàng dường như bất khả thi, việc mua lại vàng từ người dân cũng rất khó để yêu cầu người dân xuất hóa đơn được.
Theo đó, việc xiết chặt lại vấn đề hóa đơn và chứng minh nguồn gốc là cần thiết nhưng cũng cần phải có lộ trình và các giải pháp sao cho hợp tình hợp lý, tránh việc xoay chuyển chính sách quá nhanh làm cho các doanh nghiệp và cửa hàng vàng trở tay không kịp, dẫn đến những cú sốc về phía cung không cần thiết trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Nếu muốn thay đổi việc này, các cơ quan chức năng cũng cần phải cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thời gian để chuyển đổi, hơn là việc quản lý không được thì cấm.
Trong ngắn hạn, cần tăng nguồn cung cho cả vàng miếng và vàng nguyên liệu giải tỏa cơn khát nguồn cung cho thị trường vàng. Việc tăng cung chỉ có thể hiệu quả từ việc cho phép nhập khẩu vàng chính ngạch một lượng vừa đủ sao cho không quá ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng vẫn giải tỏa phần nào cơn khát nguồn cung. NHNN có thể dựa trên thặng dư cán cân thanh toán tổng thể hàng kỳ để cho phép nhập khẩu vàng một lượng vừa đủ, những kỳ mà cán cân thanh toán thâm hụt hoặc thặng dư ít thì có thể không nhập khẩu vàng mà ưu tiên cho các việc khác. Việc cho phép nhập khẩu chính ngạch cũng sẽ giải tỏa cơn khát nguồn cung nguyên liệu trong nước và giảm việc nhập lậu vàng.
Và đây cũng sẽ là cơ sở để xiết lại từ từ việc mua bán vàng có hóa đơn chứng từ ở trong nước, vì lúc này các cửa hàng vàng không có lý do gì mà không mua từ các nguồn chính thống đã có mà phải đi mua vàng trôi nổi. Bên cạnh đó, việc mua vàng từ trong dân chúng là một hoạt động truyền thống trong kinh doanh vàng, vì người dân phải bán lại được vàng họ đã mua ở các cửa hàng thì mới tăng độ uy tín, bên cạnh đó, rất nhiều người tích trữ vàng hàng chục năm, bây giờ yêu cầu họ phải xuất trình hóa đơn chứng từ mua vàng đó là một điều không khả thi. Nên chúng ta cũng cần có giải pháp để xử lý tình trạng này, tránh việc người dân không thể bán vàng được cho các cửa hàng thì sẽ càng làm cho thị trường này biến động hơn.
Để tìm ra giải pháp phù hợp không phải đơn giản, nếu như NHNN đứng ra thu mua vàng trôi nổi thì sẽ phải thành lập thêm một bộ phận chuyên trách và đủ thứ các quy định để người dân khai báo nguồn gốc, chưa kể việc xác định tuổi vàng và thu lại với giá bao nhiêu là một vấn đề mất rất nhiều thời gian và chi phí. Còn nếu như vẫn cho phép các cửa hàng vàng mua lại vàng từ trong dân chúng kể cả vàng của họ đã bán hoặc không phải, thì cần có quy định như thế nào để vẫn đảm bảo là họ chứng minh được nguồn gốc các loại vàng này và không bị xử phạt. Thực tế, nếu như nguồn cung vàng chính ngạch được giải quyết thì hiện tượng nhập lậu vàng sẽ không còn, bởi chỉ khi chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cao thì việc kinh doanh chênh lệch giá mới xảy ra.
Vậy nên, trong ngắn hạn, nên chăng không cần xiết quá chặt về vấn đề mua vàng trôi nổi trong dân chúng bởi nó đã mang tính truyền thống ở thị trường vàng và rất khó để giải quyết. Đến khi thị trường ổn định dần thì bắt đầu xiết các quy định dần dần và có lộ trình để tránh tạo các cú sốc không đáng có. Trước mắt nên ưu tiên bình ổn giá trước, sau đó mới tính đến việc minh bạch thị trường vàng.
* PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Theo PGS-TS. NGUYỄN HỮU HUÂN* (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
https://nhadautu.vn/cafe-cuoi-tuan-bai-toan-kho-cho-muc-tieu-binh-on-va-minh-bach-thi-truong-vang-cung-luc-d85289.html