"Doanh nghiệp có vướng mắc gì, hãy gửi tới VCCI". Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Ủy viên Ban chấp hành VCCI phát biểu tại Hội nghị ban chấp hành VCCI lần thứ 7.
Đưa ra thông điệp này khi góp ý vào kế hoạch hoạt động của VCCI năm 2024, bà Nga đặt nhiều kỳ vọng vào các hoạt động đối thoại chính sách, kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương.
“Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp nào cũng phải cân nhắc rất kỹ các kế hoạch kinh doanh, để đảm bảo tối ưu hiệu quả. Những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách cũng như trong quá trình thực thi đang khiến nhiều kế hoạch trở nên khó thực hiện hơn. Chúng tôi tin là với vị thể của mình, VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn”, bà Nga nói.
Đặc biệt, bà Nga đang kỳ vọng vào việc tham gia góp ý cho các văn bản hướng dẫn các văn bản luật vừa được ban hành, sẽ có hiệu lực vào 1/7 tới đây. Trong số này, các doanh nghiệp đang đặc biệt quan tâm đến các dự thảo nghị định thực thi Luật Đất đai. "Rất cần có sự tham vấn của doanh nghiệp, của VCCI để đảm bảo việc thực thi tới đây thuận lợi", bà Nga đề xuất.
Chia sẻ ý kiến này, bà Hà Thu Thanh, Ủy viên Ban chấp hành VCCI cũng đề xuất, năm 2024, VCCI sẽ tăng cường hoạt động rà soát hệ thống quy định liên quan đến kinh doanh, để tiếp tục phát hiện những nội dung gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, kiến nghị sửa đổi.
“Đây cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong bối cảnh hiện tại, khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức”, bà Thanh kiến nghị.
Trong kế hoạch nhiệm vụ năm 2024 vừa được Ban thường trực của VCCI thảo luận, nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách; thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh tiếp tục được ghi đậm.
Cụ thể, VCCI xác định tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại, tiếng nói đại diện của VCCI đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục đề xuất, xây dựng các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; duy trì hiệu quả và nâng cao chất lượng của hoạt động tham gia xây dựng chính sách pháp luật, trong đó, tăng cường sự tham gia có chất lượng của các hiệp hội doanh nghiệp vào công tác xây dựng chính sách pháp luật của VCCI.
VCCI đã tính toán, sẽ tham gia góp ý cho khoảng 180 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương án đàm phán quốc tế, trên 100 dự thảo văn bản của các bộ, ngành, địa phương.
Chủ động về phía mình, VCCI sẽ xây dựng khoảng 8-10 báo cáo đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật, cam kết quốc tế. Trong số này, có thể kể đến những báo cáo đã có thương hiệu như Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI); Báo cáo Dòng chảy pháp luajat năm 2024...
Trong năm 2023, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với 406 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, trong đó có nhiều Luật lớn và rất quan trọng, được các cơ quan xây dựng luật đánh giá cao.
Đặc biệt, trong kế hoạch năm 2024, VCCI chú trọng xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; triển khai các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp...