Triển vọng tăng trưởng quan hệ thương mại
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM đánh giá, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Ấn Độ đã có bước phát triển tích cực. Cụ thể, về quan hệ thương mại, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và nằm trong TOP 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ. Điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.
Theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2023 đạt 14,36 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,8% so với năm 2022 - Ấn Độ là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong năm 2023 chỉ đạt 5,86 tỷ USD, giảm mạnh 17,2% so với năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xuất siêu của Việt Nam đến Ấn Độ có giá trị 2,63 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2022.
“Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm thông tin.
Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, mặc dù đạt kim ngạch 15 tỷ USD trong năm 2022, nhưng trong năm 2023, dưới tác động do khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ có sự sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, qua thực tế kinh doanh và phản ánh từ các Hiệp hội cho thấy, Ấn Độ vẫn là một thị trường tốt và quan trong của Việt Nam. Có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, trong đó, các sản phẩm chế biến từ gỗ tăng gần 35%.
"Trong tháng 1/2024, cùng với sự tăng trưởng chung của kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ cũng tăng trưởng gần 20%, nhập khẩu từ Ấn Độ cũng tăng gần 13%, chủ yếu là những mặt hàng truyền thống như bông, sơ sợi, sắt thép, dược…Đây là những tín hiệu đáng mừng cho triển vọng tăng trưởng mạnh trong quan hệ thương mại hai nước", Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc VCCI HCM, hai nước đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt mức 20 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông Liêm, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau như: khai khoáng, hoá chất, dệt may, da giày, năng lượng, y tế - dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Về quan hệ đầu tư, Ấn Độ hiện có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam… tập trung chủ yếu vào năng lượng, năng lượng tái tạo, vận tải biển, công nghệ thông tin. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.
“Nhằm tạo cơ hội kinh doanh, kết nối doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Ấn Độ, VCCI HCM phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức “Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ”. Tham dự hội nghị hôm nay có đại diện của 35 tập đoàn, nhà sản xuất, kinh doanh uy tín của Ấn Độ trong các lĩnh vực Sắt, thép, Than, Công nghệ thông tin, Điện & Điện tử, Máy móc thiết bị công nghiệp, Vật liệu xây dựng, Hóa chất, Vận tải, Du lịch, Y tế, Nông sản - Thực phẩm, Văn phòng phẩm, Thương mại tổng hợp…”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng hy vọng, Hội nghị doanh nghiệp 2 nước hôm nay sẽ cung cấp cho doanh nghiệp 2 nước những thông tin hữu ích về môi trường đầu tư và những chính sách phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Bên cạnh đó, phiên kết nối doanh nghiệp B2B sẽ mang lại nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới.
10 điểm quan trọng cần lưu ý
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Điều hành IICCI Việt Nam đã chỉ ra 10 điểm quan trọng cần lưu ý khi kinh doanh trên thị trường Ấn Độ, cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức văn hóa: Ấn Độ là một quốc gia đa dạng với nhiều ngôn ngữ, tôn giáo và phong tục khác nhau. Việc hiểu biết về văn hóa, giá trị và phép lịch sự của Ấn Độ là rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ và tránh hiểu lầm.
Thứ hai, xây dựng mối quan hệ: Xây dựng mối quan hệ cá nhân và niềm tin là rất quan trọng trong văn hóa kinh doanh Ấn Độ. Hãy dành thời gian để thiết lập mối quan hệ và đầu tư xây dựng tình thân thiết với đối tác Ấn Độ của bạn.
Thứ ba, cấu trúc phân cấp: Xã hội Ấn Độ có cấu trúc phân cấp, và sự tôn trọng đối với quyền lực được đánh giá cao. Hãy chú ý điều này khi làm việc với đối tác kinh doanh Ấn Độ và tôn trọng các giám đốc cấp cao và người ra quyết định.
Thứ tư, kiên nhẫn và linh hoạt: Kinh doanh ở Ấn Độ thường đòi hỏi kiên nhẫn và linh hoạt. Quá trình ra quyết định có thể kéo dài và có thể xảy ra những thay đổi hoặc chậm trễ không mong đợi. Quan trọng là phải thích nghi và sẵn lòng chấp nhận những tình huống này.
Thứ năm, phong cách đàm phán: Quá trình đàm phán tại Ấn Độ có thể phức tạp và kéo dài. Người Ấn thường coi trọng mối quan hệ lâu dài và tìm kiếm kết quả đôi bên có lợi. Hãy chuẩn bị cho những cuộc thảo luận chi tiết và sẵn lòng thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Thứ sáu, môi trường pháp lý và quy định: Làm quen với khung pháp lý và quy định quản lý hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ. Tìm kiếm ý kiến chuyên gia để đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy định địa phương.
Thứ bảy, địa phương hóa: Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với sở thích và gu thẩm mỹ đa dạng. Điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn để phù hợp với thị trường địa phương, xem xét các yếu tố như ngôn ngữ, nhạy cảm văn hóa và sự biến đổi vùng miền.
Thứ tám, Logistics và Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng và mạng lưới logistics của Ấn Độ có thể khác biệt đáng kể giữa các vùng. Lên kế hoạch và chuẩn bị cho những thách thức có thể xảy ra trong vận chuyển, phân phối và kết nối. Tập trung vào việc lựa chọn khu vực vì sản phẩm không thể phân phối khắp Ấn Độ. Vì vậy, trước tiên hãy chọn một khu vực như New Delhi cho Bắc Ấn Độ.
Thứ chín, nghiên cứu thị trường: Tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để hiểu thị trường Ấn Độ, bao gồm sở thích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh và xu hướng. Tùy chỉnh chiến lược tiếp thị và sản phẩm/dịch vụ của bạn phù hợp với thị trường địa phương.
Thứ mười, quan hệ với Chính phủ: Xây dựng mối quan hệ tích cực với các cơ quan Chính phủ và cập nhật về các chính sách và sáng kiến của Chính phủ. Tương tác với các Hiệp hội ngành và Phòng thương mại để điều hướng yêu cầu quy định hiệu quả.
Một số hình ảnh phiên kết nối doanh nghiệp B2B