Doanh nhân Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony
“Trái ngọt” từ những chuyến đi
Nhà xưởng của Công ty cổ phần quốc tế Dony chỉ rộng 800 m2, nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ trên đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Phía trước khu xưởng chỉ đủ chỗ để đậu vài chiếc xe tải cỡ vừa, còn lối vào thì chật kín nguyên vật liệu hàng may mặc.
“Hôm nay, lối đi đã rộng hơn nhiều, vì Dony vừa xuất 2 container hàng sang Mỹ và Nga”, Phạm Quang Anh vừa nói, vừa dẫn chúng tôi “lách” qua các kiện hàng để bước vào xưởng.
Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát trên thế giới gia tăng, kinh tế tăng trưởng chậm khiến tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sụt giảm. Trái ngược với bức tranh chung, kết quả kinh doanh của Dony lại khá khả quan, lượng đơn hàng lớn, doanh thu tăng 21% so với năm 2022.
Đây là “trái ngọt” của hành trình đi tìm đơn hàng tại các nước ở châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á trong suốt nhiều ngày liền của Quang Anh, cùng những nỗ lực trong việc cải thiện chuỗi cung ứng sản xuất.
Thời điểm đầu năm 2022, Dony vẫn có lượng đơn hàng ổn định, nhưng từ tháng 8/2022, đơn hàng bắt đầu giảm sút, nhịp sản xuất của Công ty cũng thưa dần. Không ngồi chờ hỗ trợ, chàng doanh nhân 8X không ngần ngại lên đường đến Jordan, mong muốn tìm ra các điểm mấu chốt khiến đối tác không đặt hàng và tìm kiếm đơn hàng mới.
“Tất cả hoạt động của doanh nghiệp đều do con người điều khiển. Ngoài uy tín và chất lượng, một giá trị khó có thể định giá được trong một hợp đồng chính là sự thân quen, chân thành”, Quang Anh đúc rút sau khi tận mắt chứng kiến cách làm kinh doanh của đối tác, thậm chí được gặp gỡ cả bạn hàng của đối tác, từ đó hiểu được lợi thế, quan điểm và cả những khó khăn của họ.
Khi đã thấu hiểu, Quang Anh cố gắng tìm giải pháp để hai bên có thể tiếp tục hợp tác và cùng có lợi. Đối với anh, khi đã thân quen và chân thành với nhau, thì dù có khó khăn gì cũng sẽ tìm ra cách giải quyết. Kết quả bước đầu ở Jordan tiếp thêm động lực để Quang Anh bay đến Cộng hòa Síp, tìm gặp những đối tác đã làm việc với nhau nhiều năm.
Hành trình kéo dài gần nửa tháng. Việc trở nên thân tình với các đối tác đã mang lại hiệu quả. Ngay trong chuyến đi, không chỉ lấy lại những đơn hàng bị cắt giảm, anh còn đàm phán thêm được những hợp đồng mới. Nhờ thế, Dony duy trì sản xuất ổn định.
Năm 2023, ngoài việc cố gắng tái ký hợp đồng với các đối tác đã làm việc nhiều năm, Quang Anh bắt đầu thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường sang Mỹ - nơi Dony từng có nhiều đối tác. Kết nối với đối tác mới qua Internet, chuẩn bị tài liệu kỹ càng cho chuyến đi, nhưng sau đó, Quang Anh quyết định dừng kế hoạch vì nhận thấy, sức mua từ thị trường này đang yếu dần.
Khi kế hoạch mở rộng thị trường sang Mỹ chưa có lối ra, thì may mắn đến với anh khi một vị khách người Malaysia tìm đến để đặt hàng. Gần đến ngày giao hàng, họ lại đặt tiếp những đơn hàng mới.
“Trước đó, tôi không nghĩ thị trường Đông Nam Á lại có nhu cầu lớn như vậy. Bán được cho một khách hàng Malaysia, thì sẽ bán được cho nhiều khách hàng khác tại Malaysia. Và khi đã bán được cho Malaysia, thì tại sao không bán được cho Indonesia, Singapore, Campuchia…? Thế là, tôi tiếp tục lên kế hoạch thực hiện một tour xúc tiến”, Quảng Anh chia sẻ.
Chiến lược của CEO 8X đã đi đúng hướng. Đơn hàng từ thị trường Đông Nam Á tăng lên. Bên cạnh đó, các khách hàng từ Trung Đông cũng đặt hàng nhiều hơn so với những đợt trước. Hiện tại, đơn hàng của Dony đã đủ để sản xuất đến hết tháng 5/2024.
Doanh nhân Phạm Quang Anh (bên phải) cùng công nhân kiểm tra lại hàng hóa
Bài học từ chuỗi cung ứng chia sẻ
Sau những chuyến đi, Quang Anh đã có những thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về thị trường. Khi trao đổi với anh, hầu hết các đối tác đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm thị trường mới để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Đây là cơ hội mang tính thập kỷ cho Việt Nam, nhưng cũng là nguy cơ nếu doanh nghiệp Việt không được lựa chọn. Bởi vì, một khi các doanh nghiệp lớn tìm được nhà sản xuất mới ngoài Trung Quốc, họ sẽ gắn bó với thị trường mới này trong một khoảng thời gian tính bằng thập kỷ và tôi muốn chớp lấy cơ hội này”, anh nói.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài, Quang Anh nhận thấy, tất cả khách nước ngoài của Dony không giống khách nội địa. Trong nước, anh thường nhận đơn hàng từ các công ty có nhu cầu đặt đồng phục, quà tặng - những người sử dụng cuối trong chuỗi tiêu dùng. Còn khách nước ngoài thường là các công ty thương mại, 100% đơn hàng họ nhận về để bán.
“Như vậy, mình cần cung cấp cho họ những sản phẩm để họ bán được và một trong những yếu tố quan trọng để bán được là chất lượng hàng hóa phải đảm bảo và ổn định”, Quang Anh nhìn nhận.
Điểm mấu chốt thứ hai, nhưng vô cùng quan trọng, là giá cả phải cạnh tranh. Chính yếu tố này đã gây khó cho anh khi tiếp cận các đối tác mới. Bởi, đơn giá của nhiều công ty may mặc ở Trung Quốc đưa ra bằng, thậm chí thấp đơn cả giá nguyên vật liệu của Dony, khiến doanh nghiệp phải hạ giá nhiều lần mà vẫn không được chấp nhận.
Nhưng cũng chính khách hàng đã chỉ cho Quang Anh thấy rằng, các khâu trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam ít có sự sẻ chia với nhau. Nhìn ra được vấn đề, anh lập tức tìm gặp các đối tác trong chuỗi cung ứng của mình, từ nhà cung cấp vải, chỉ, nhóm gia công, cả những người cho thuê nhà xưởng... để bàn cách cùng nhau xây dựng một chuỗi cung ứng chia sẻ.
“Khi tôi kể câu chuyện và góc nhìn của người ngoài, mọi người đều vỡ lẽ. Từ đó, mỗi đối tác trong chuỗi cung ứng đều vui vẻ đồng ý chia sẻ, mỗi người sẵn sàng cắt giảm một phần lợi nhuận, thù lao để có nhiều đơn hàng hơn”, Quang Anh nhớ lại.
Nhờ chuỗi cung ứng chia sẻ, anh tự tin rằng, ngoài chất lượng và uy tín, giờ đây, sản phẩm của Dony hoàn toàn có thể “đọ” giá với nhiều thị trường khác.
Hiện tại, chiến lược của Dony là không tuyển thêm công nhân, mà tập trung vào việc đào tạo tay nghề để tăng năng suất lao động và đầu tư trang thiết bị máy móc. Bởi vì, nếu tuyển thêm nhân công, thì tiền lương cho người lao động sẽ trở thành định phí, ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với chiến lược này, năm 2024, bên cạnh việc củng cố thị trường Đông Nam Á vừa “khai phá”, Quang Anh dự kiến xúc tiến sang thị trường Nga. Giai đoạn này, Dony ưu tiên những chi phí thuộc về biến phí theo từng đơn hàng. Nếu đơn hàng tăng, Dony sẽ cho người lao động tăng ca và tuyển gia công thêm bên ngoài.
Quang Anh luôn tâm niệm, “trao sản phẩm tốt, nhận lợi ích nhỏ và hợp tác lâu dài” chính là “chìa khóa” để thành công. “Biên lợi nhuận của doanh nghiệp có thể thấp một chút, nhưng khách hàng sẽ ở lại lâu dài. Đơn hàng nhiều, thì lợi nhuận sẽ bù đắp lại cho doanh nghiệp”, Quang Anh nói.