Đối tượng được cộng nối thời gian công tác

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 1 Mục II Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/1/2005 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 182/2004/QĐ-TTg ngày 15/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tính thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn thì cán bộ cấp xã được tính thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH khi có đủ cả 2 điều kiện sau:

- Đã làm việc tại trạm y tế cấp xã trong khoảng thời gian từ ngày 1/9/1987 đến ngày 31/12/1994 và được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 123/HĐBT ngày 19/8/1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi chế độ chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn.

- Có tên trong danh sách cán bộ của trạm y tế cấp xã đến 31/12/1994 liền sau đó được ký hợp đồng làm việc tại trạm y tế cấp xã và được hưởng tiền lương theo ngạch, bậc lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, tại Khoản 6 Điều 1 Mục III Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC quy định: "Trường hợp cán bộ y tế cấp xã có thời gian công tác bị gián đoạn do được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, nghiệp vụ, đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc bị ốm đau phải đi điều trị, điều dưỡng, liền sau đó tiếp tục làm việc tại trạm y tế cấp xã thì được tính là thời gian công tác liên tục để hưởng BHXH".

Theo nội dung câu hỏi, trường hợp của bà có thời gian làm tại trạm y tế xã từ năm 1982 đến năm 1990, nghỉ gián đoạn, đến năm 2006 tham gia công tác trở lại nên không thuộc đối tượng được cộng nối thời gian công tác theo quy định nêu trên.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/doi-tuong-duoc-cong-noi-thoi-gian-cong-tac-102240116134345523.htm