Theo phản ánh của bà Châu Thị Thùy Mỹ (An Giang), Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định UBND cấp huyện có trách nhiệm: Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; Bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn.
Bà Mỹ hỏi, để hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề thì địa phương có được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương không? Mức hỗ trợ tối thiểu là bao nhiêu cho một công trình và được hỗ trợ những gì?
Nghị định số 02/2022/NĐ-CP không quy định những vấn đề này và thông tư hướng dẫn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cũng không quy định vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 56 quy định:
"Điều 56. Bảo vệ môi trường làng nghề
1. Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm:
a) Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề;
b) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
c) Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật".
Do vậy, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề.
Các nội dung chi sự nghiệp bảo vệ môi trường tuân thủ theo đúng các quy định tại Điều 151, 152, 153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện nay, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho "làng nghề" và làng nghề này phải được UBND tỉnh công nhận theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn.
Trong đó quy định đối với các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng thuộc 47 làng nghề do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, được đề xuất kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia theo nguyên tắc 50/50 theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/he-thong-xu-ly-nuoc-thai-trong-lang-nghe-co-duoc-ho-tro-102231010145758403.htm