Một lần nghỉ việc điều trị bệnh được tối đa bao nhiêu ngày?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH như sau:

- Một lần khám chỉ được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

- Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những Giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.

- Trường hợp người lao động khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và được giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với bệnh có chế độ cao nhất.

- Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật BHXH nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

BHXH Việt Nam cung cấp quy định của pháp luật về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với từng trường hợp ốm đau, thai sản để bà được biết và đối chiếu với trường hợp cụ thể của người lao động để xác định chính xác về số ngày nghỉ việc hưởng BHXH.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/mot-lan-nghi-viec-dieu-tri-benh-duoc-toi-da-bao-nhieu-ngay-102231016091429144.htm