Trường hợp nào phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô?

Bà Lê Thu (Hà Nội) đang làm việc trong công ty cổ phần có 100% vốn Việt Nam. Sắp tới, công ty bà dự kiến kinh doanh dịch vụ bưu chính. Theo đó, Công ty dự kiến thuê dịch vụ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển để chuyển, phát bưu gửi theo yêu cầu của khách hàng.

Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải (nhà cung cấp), công ty thuê các nhóm nhà cung cấp sau: Nhà cung cấp là doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải (doanh nghiệp vận tải); Nhà cung cấp là các cá nhân có xe tải riêng thuộc sở hữu của cá nhân, tài xế này sẽ sử dụng xe tải của mình để cung cấp dịch vụ vận chuyển (tài xế xe tải); Nhà cung cấp là các cá nhân có xe máy riêng thuộc sở hữu cá nhân, tài xế này sẽ sử dụng xe máy của mình để cung cấp dịch vụ vận chuyển (tài xế xe máy).

Bưu kiện Công ty của bà Thu chuyển phát là các hàng hóa thông thường, thư, không bao gồm các chất cấm chuyển phát hay nguy hiểm theo quy định pháp luật. Phí dịch vụ Công ty thu từ khách hàng được chia theo hai cách: Một là phí dịch vụ trọn gói bao gồm cả dịch vụ vận hành kho, logistics, chuyển phát/vận chuyển; Hai là phí dịch vụ riêng cho hạng mục chuyển/phát được tính theo khoảng cách, tải trọng, điểm giao quy đổi.

Bà Thu đề nghị cơ quan chức năng giải đáp thắc mắc sau:

Nếu Công ty bà đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính và thuê doanh nghiệp vận tải làm bên cung cấp dịch vụ vận chuyển thì Công ty bà có bắt buộc phải xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô không? Thực tế, Công ty bà không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe vì không trực tiếp sở hữu và quản lý đội xe. Khi có yêu cầu cần phát bưu gửi, hàng hóa từ khách hàng, Công ty sẽ gửi yêu cầu cho doanh nghiệp vận tải để họ điều phối lái xe thực hiện giao hàng. Đồng thời, Công ty bà cũng không quyết định cước vận tải vì cước vận tải trả cho nhà cung cấp theo báo giá của nhà cung cấp, Công ty chỉ thu phí chuyển phát (cước bưu chính) từ khách hàng. Bà Thu hiểu là Công ty bà không được xem là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và không phải xin cấp phép kinh doanh loại hình này.

Trong hợp đồng cung cấp dịch vụ, Công ty của bà Thu có ràng buộc doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo có đầy đủ các giấy phép để cung cấp dịch vụ và không yêu cầu doanh nghiệp vận tải cung cấp giấy phép để kiểm tra. Nếu doanh nghiệp vận tải không có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa như đã cam kết tại hợp đồng thì Công ty bà có phải thực hiện xin giấy phép kinh doanh vận tải không?

Nếu Công ty bà Thu sử dụng dịch vụ của tài xế xe tải và tài xế xe máy để thực hiện việc chuyển phát bưu kiện thì Công ty có bắt buộc phải xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô không?

Về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Khoản 2 Điều 3 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh có quy định: 

"2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi".

Trên cơ sở đó, đề nghị Công ty của bà Lê Thu nghiên cứu quy định trên để xác định đối tượng kinh doanh vận tải.

Khoản 2 Điều 64 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về Hoạt động vận tải đường bộ như sau: 

"2. Kinh doanh vận tải đường bộ gồm kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa".

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:

"1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;"

Trên cơ sở đó, đề nghị Công ty của bà Thu nghiên cứu quy định trên để lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/truong-hop-nao-phai-co-giay-phep-kinh-doanh-van-tai-bang-o-to-102231004144522866.htm