Ông Đạt tham khảo Điều 37 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC thấy có quy định, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 20% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế nhưng ít nhất là 1 gói thầu chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Tuy nhiên, chủ đầu tư do chưa nghiên cứu kỹ Thông tư nêu trên và đã đấu thầu trực tiếp tất cả các gói thầu. Ông hỏi, trường hợp này phải xử lý như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Điều 5 Luật Đấu thầu quy định, một trong các điều kiện để nhà thầu được coi là có đủ tư cách hợp lệ là đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 37 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, bắt đầu từ ngày 1/7/2016, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu.
Đối với trường hợp của ông Đạt, tất cả hồ sơ dự thầu được nộp đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu đều được mở. Khi đó, nếu nhà thầu chưa đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì bị đánh giá là không đủ tư cách hợp lệ theo quy định nêu trên.
Để xác minh nhà thầu đã đăng ký trên Hệ thống, bên mời thầu có thể trực tiếp kiểm tra trên Hệ thống (gõ số đăng ký kinh doanh hoặc tên nhà thầu trong mục tìm kiếm) hoặc căn cứ vào xác nhận đã có tên trên Hệ thống nhà thầu in theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư nêu trên.
Các Bộ, ngành, địa phương không thực hiện đấu thầu qua mạng đầy đủ theo lộ trình quy định tại Khoản 2, Điều 37 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC là vi phạm pháp luật về đấu thầu, bị xử lý theo quy định tại Điều 90 Luật Đấu thầu, đồng thời bị báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.