Theo Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14 ngày 14/6/2018, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cho hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm:
"Điều 10. Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản
1. Thiết lập hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia.
2. Thiết lập hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia.
3. Xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh hàng không và hệ thống dữ liệu ảnh viễn thám.
4. Xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; thành lập và cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia.
5. Đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia.
6. Đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính.
7. Chuẩn hóa địa danh.
8. Xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc cơ bản.
… Điều 22. Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành
1. Thiết lập hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc cơ sở chuyên ngành.
2. Đo đạc và bản đồ quốc phòng.
3. Đo đạc, thành lập bản đồ địa chính.
4. Thành lập bản đồ hành chính.
5. Đo đạc, thành lập hải đồ.
6. Đo đạc, thành lập bản đồ hàng không dân dụng.
7. Đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm.
8. Đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
9. Thành lập tập bản đồ; đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành không thuộc quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này.
10. Xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành".
Ông Đặng Đức Thành (Bắc Giang) hỏi, việc đo đạc khảo sát bình đồ phục vụ thiết kế bản vẽ thi công các dự án đầu tư xây dựng như các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng dân dụng... có phải trình thẩm định bản đồ qua Sở Tài nguyên và Môi trường như đo đạc bản đồ địa chính hay không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Điều 10, Điều 22 Luật Đo đạc và bản đồ, nhiệm vụ "Đo đạc khảo sát bình đồ phục vụ thiết kế bản vẽ thi công các dự án đầu tư xây dựng như các công trình giao thông, thuỷ lợi, xây dựng dân dụng" không thuộc nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản mà thuộc nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành.
Việc tổ chức triển khai đo đạc, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác được quy định tại Khoản 3 Điều 31 của Luật Đo đạc và bản đồ: "Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai thành lập tập bản đồ của địa phương, khu vực và ngành; đo đạc, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước".
Điểm a, Điểm d Khoản 1 Điều 58 Luật Đo đạc và bản đồ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh như sau:
"a) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý; ban hành văn bản theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đo đạc và bản đồ trên địa bàn;
… d) Quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý".
Điểm a, Điểm d Khoản 11 Điều 2 Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT ngày 29/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp huyện quy định:
"11. Về đo đạc và bản đồ
a) Thẩm định nội dung đo đạc và bản đồ trong các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước do các sở, ngành, UBND các cấp của địa phương thực hiện;
… d) Quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; quản lý việc lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý;".
Căn cứ Điều 15 Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 24/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ: "Chủ đầu tư sử dụng tổ chức chuyên môn trực thuộc hoặc thành lập hội đồng thực hiện thẩm định khối lượng, chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ".
Đối chiếu với các quy định nêu trên, đối với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có nội dung đo đạc và bản đồ chuyên ngành có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do các sở, ngành, UBND các cấp của địa phương là chủ đầu tư thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định nội dung đo đạc và bản đồ trong các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ.
Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; thẩm định khối lượng, chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp UBND cấp tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh thì việc thẩm định các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có nội dung đo đạc và bản đồ và quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; thẩm định khối lượng, chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ của UBND cấp tỉnh.
Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/quyen-tham-dinh-noi-dung-do-dac-ban-do-trong-du-an-xay-dung-102230612214316683.htm