Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau hơn 16 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014 (Luật HKDDVN) cho thấy hành lang pháp lý cho hoạt động hàng không dân dụng của Việt Nam đã và đang dần được hoàn thiện, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển lĩnh vực hàng không, đảm bảo vai trò và thế mạnh của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật HKDDVN đã xuất hiện một số tồn tại, phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật HKDDVN.
Cụ thể, về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng, Luật HKDDVN hiện đang xác lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành dân dụng là Nhà chức trách hàng không và Cảng vụ hàng không, chính quyền địa phương không thực hiện vai trò quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Tuy nhiên, vai trò các cơ quan này đang tồn tại bất cập liên quan đến: địa vị pháp lý của giám sát viên trong việc đại diện Nhà chức trách hàng không thực hiện trách nhiệm giám sát an toàn hàng không; sự thiếu hụt nguồn lực, cơ chế đặc thù để bảo đảm triển khai trách nhiệm của Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, thiếu các quy định cụ thể để gắn trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại địa phương.
Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch có sự chưa đồng bộ trong việc phân loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành giữa Luật HKDDVN và Luật Quy hoạch, vấn đề quy hoạch vùng thông báo bay (FIR), tên gọi của quy hoạch và các khái niệm "cảng hàng không, sân bay" dẫn đến việc triển khai khó khăn cần phải điều chỉnh lại để đảm bảo tính chính xác, tính thống nhất về cả thuật ngữ lẫn nội dung trách nhiệm triển khai thực hiện quy hoạch, đảm bảo phù hợp với tính chất quản lý cũng như yêu cầu quốc tế đối với các vùng thông báo bay.
Về an toàn hàng không, thực trạng hoạt động hàng không hiện nay cho thấy mức độ phức tạp trong hệ thống vận tải hàng không toàn cầu ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có sự tương tác trong tổng thể các hoạt động hàng không dân dụng với an toàn khai thác tàu bay và an toàn hoạt động khai thác của cảng hàng không, sân bay. Tháng 7/2016, ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) phát hành phiên bản lần 2 của Annex 19 (Phụ ước thứ 19 của Công ước Chicago 1944) với việc cấu trúc lại các quy định về an toàn dựa trên các nguyên tắc, quy định hiện có để thực hiện hiệu quả hơn. Do đó, cần thực hiện việc nội luật này để đảm bảo các quy định của Công ước về hàng không dân dụng quốc tế (Công ước Chicago 1944) mà Việt Nam tham gia.
Việc quản lý nhân viên hàng không cũng cần có những tháo gỡ phù hợp trong Luật để cho phép người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động tuyển dụng lao động đặc biệt là đối với những lao động đặc thù (thành viên tổ lái, kiểm soát viên không lưu); trao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc xem xét, công nhận chứng chỉ chuyên môn của nhân viên hàng không, đảm bảo phù hợp với pháp luật về lao động, phù hợp với thị trường lao động về nhân viên hàng không trên thế giới.
Về an ninh hàng không, việc triển khai các quy định về an ninh hàng không trong thời gian qua đã thể hiện rõ sự hiệu quả, phù hợp với quy định, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có hoạt động hàng không dân dụng. Tuy nhiên trước các diễn biến mới của tình hình an ninh thế giới, sự thay đổi và phát triển của hàng không trong nước cần phải sửa đổi các quy định về an ninh hàng không để làm rõ mô hình quản lý nhà nước về an ninh hàng không nhằm mục tiêu đảm bảo: an ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng; công tác bảo đảm an ninh hàng không phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, mở rộng hợp tác quốc tế; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải có hệ thống tổ chức độc lập, hoạt động thống nhất, chuyên nghiệp, đủ năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp pháp luật Việt Nam; việc điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, xây dựng trên nền tảng quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật HKDDVN, Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh mạng; kết cấu hạ tầng bảo đảm an ninh hàng không đồng bộ, hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Về đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, theo quy định của Luật HKDDVN việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, Bộ Giao thông vận tải quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng, bảo trì, sửa chữa, duy trì đủ điều kiện khai thác cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy những vướng mắc nhất định giữa hệ thống pháp luật về hàng không dân dụng với các hệ thống pháp luật khác (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước…) khi lĩnh vực hàng không có những hiện trạng, đặc thù riêng đòi hỏi cơ chế phù hợp để thu hút nguồn lực, cho phép đầu tư, khai thác một cách hiệu quả, đồng bộ, đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia.
Việc quản lý sân bay chuyên dùng có sự phân định chưa rõ ràng trong thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay với việc cấp các loại giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận khai thác sân bay chuyên dùng; các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của sân bay chuyên dùng chưa đầy đủ, điều này dẫn đến giấy chứng nhận, giấy đăng ký khai thác sân bay chuyên dùng được cấp dựa trên các yêu cầu, chuẩn mực chung của cảng hàng không, sân bay là chưa phù hợp với yêu cầu quản lý...
Bộ Giao thông vận tải cho biết, từ những lí do trên, Bộ đề xuất xây dựng Luật HKDDVN (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực hàng không dân dụng; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về hàng không dân dụng.
Mời bạn đọc xem toàn văn Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) và góp ý tại đây.
Theo Tuệ Văn (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/can-thiet-xay-dung-du-thao-luat-hang-khong-dan-dung-viet-nam-sua-doi-102230609150930382.htm