Sẽ đẩy mạnh phân cấp thẩm định công trình

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xem xét sửa đổi Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021, theo đó phân cấp thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với công trình cấp I thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng quản lý công trình xây dựng chuyên ngành sang cho cơ quan chuyên về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh để giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và tạo thuận lợi cho công tác quản lý xây dựng tại địa phương.

Thứ hai, việc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể như: Quá trình triển khai thực hiện tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không có các cơ quan trực thuộc như UBND cấp huyện để bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự trong và sau khi thực hiện cưỡng chế, về phòng cháy chữa cháy, về y tế, dân vận...

Đồng thời, việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án, tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm sẽ không phù hợp, hoặc mất nhiều thời gian với tình hình thực tế của từng địa phương, dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài hoặc khó khăn vướng mắc khi tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Điểm d Khoản 4 Điều 56 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định:

"Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật".

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP như sau: "Đối với quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND tỉnh thì Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế giao Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có công trình vi phạm chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế".

Thứ ba, Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, theo đó kiến nghị xem xét sửa đổi thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho cơ quan chuyên về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh (đối với dự án nhóm A vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền của địa phương quyết định đầu tư) phân cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định để tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình giải quyết thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.

Thứ tư, hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho công trình/nhà ở riêng lẻ theo khu vực thị trấn đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nhưng không thuộc đối tượng lập quy hoạch phân khu và chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc các xã đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng.

Đồng thời, trong thời hạn tồn tại công trình, trường hợp nhà nước điều chỉnh quy hoạch xây dựng mà công trình/nhà ở riêng lẻ có thời hạn trở thành phù hợp với quy hoạch xây dựng điều chỉnh thì cơ quan cấp giấy phép có hướng xử lý đối với công trình/nhà ở riêng lẻ này như thế nào?

Thứ năm, theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng ban hành quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng thì công trình tôn giáo (tiêu chí phân cấp theo mức độ quan trọng) là công trình cấp III với mọi kết cấu.

Tuy nhiên, Phụ lục II (phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu) không loại trừ công trình tôn giáo, nên khi xác định cấp công trình vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư nêu trên.

Do đó, có một số công trình dù là công trình tôn giáo nhưng quy mô kết cấu lại thuộc cấp II và theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư thì công trình tôn giáo trên được xác định là công trình cấp II. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại Phụ lục I đã nêu (Ví dụ: Công trình tôn giáo có công trình chính là nhà thờ + tháp chuông có quy mô chiều cao trên 28 m. Đối chiếu theo Phụ lục 2 Thông tư số 06/2021/TT-BXD công trình có quy mô cấp II)".

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai như sau:

Về nội dung thứ nhất và thứ ba: Khi thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung phân cấp về thẩm định của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, việc đẩy mạnh phân cấp thẩm định đã được Bộ Xây dựng đề xuất trên cơ sở lấy ý kiến đồng thuận của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng địa phương để bảo đảm việc phân cấp đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện của đa số các địa phương trên cả nước.

Nội dung phân cấp tại Dự thảo Nghị định được thực hiện theo đúng phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 và Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022.

Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã đẩy mạnh phân cấp công tác thẩm định, theo đó cơ quan chuyên môn về xây dựng không thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn khác thuộc khu vực có quy hoạch xây dựng (chiếm khoảng 80% số lượng thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở), theo đó khối lượng công việc thực hiện tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành giảm mạnh.

Việc cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án nhóm A cũng tương đồng về thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Bộ Công an và đánh giá tác động môi trường tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Hiện nay, việc nộp hồ sơ thẩm định được thực hiện thông qua hình thức nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện và có thể được nộp thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến để thuận tiện cho các chủ thể trong quá trình thực hiện công tác thẩm định.

Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất sửa quy định cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính

Về nội dung thứ hai: Khoản 4 Điều 56 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định:

"4. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh:

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn (trừ công trình bí mật nhà nước);

b) Ban hành các quy định về: Quản lý trật tự xây dựng; phân cấp, ủy quyền quản lý trật tự xây dựng cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn;…

d) Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

đ) Giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, vướng mắc trong quá trình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn" .

Căn cứ các quy định về phân cấp trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các quy định nêu trên, UBND cấp tỉnh xem xét ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm, đảm bảo hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Thực hiện chương trình sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 551/BXD-TTr ngày 22/3/2019 gửi Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến phản ánh của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất với cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Bộ Công an để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về cưỡng chế cho phù hợp.

Căn cứ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn

Về nội dung thứ tư: Điều kiện để cấp giấy phép xây dựng có thời hạn thực hiện theo quy định tại Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì "Căn cứ quy định tại Điều 94 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 33 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 và trên cơ sở kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng, vị trí xây dựng công trình, UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể về quy mô, chiều cao đối với công trình xây dựng mới và công trình đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo; thời hạn tồn tại của công trình để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn".

Do đó, trường hợp "khu vực thị trấn đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nhưng không thuộc đối tượng lập quy hoạch phân khu và chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc các xã đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng" UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ quy hoạch chung xây dựng đã phê duyệt để ban hành quy định cụ thể về quy mô, chiều cao đối với công trình xây dựng mới và công trình đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo; thời hạn tồn tại của công trình để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Đối với trường hợp "trong thời hạn tồn tại công trình, trường hợp nhà nước điều chỉnh quy hoạch xây dựng mà công trình/nhà ở riêng lẻ có thời hạn trở thành phù hợp với quy hoạch xây dựng điều chỉnh .....", thì UBND tỉnh Đồng Nai cần khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Cấp công trình lấy theo cấp cao nhất xác định được

Về nội dung thứ năm: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 06/2021/TT-BXD thì Phụ lục I của Thông tư này sử dụng để xác định cấp công trình theo "mức độ quan trọng, quy mô công suất" cho từng công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình (một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình; Phụ lục II Thông tư này sử dụng để xác định cấp của công trình độc lập theo "loại và quy mô kết cấu".

Trường hợp một công trình độc lập mà có thể xác định cấp theo cả Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD thì cấp của công trình này được lấy theo cấp cao nhất xác định được theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư.

Việc sử dụng cấp của một công trình độc lập hoặc cấp của một tổ hợp các công trình (dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục) phải căn cứ vào mục đích quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng công trình cụ thể như đã quy định tại Điều 3 Thông tư số 06/2021/TT-BXD.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/se-day-manh-phan-cap-tham-dinh-cong-trinh-10223042315040106.htm