Ảnh minh họa - Internet |
Chế định thừa phát lại được thực hiện thí điểm bắt đầu từ năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng tới 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả tổng kết thí điểm, chế định thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo tiền đề giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, Cơ quan quan thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, hoạt động của Thừa phát lại đã bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong giải quyết tranh chấp; đồng thời, người dân cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp trong việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chính thức chế định này trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 107/2015/QH13; đồng thời, khắc phục phần nào những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm, Bộ Tư pháp đang soạn thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động thừa phát lại.
Nâng cao tiêu chuẩn nhằm xây dựng đội ngũ có năng lực, kinh nghiệm
Theo dự thảo, về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại, người mong muốn được bổ nhiệm Thừa phát lại, ngoài các tiêu chuẩn có bằng cử nhân luật; đã công tác thực tế trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên như quy định hiện hành thì “phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề; có thời gian tập sự hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại”. Thời gian đào tạo nghề Thừa phát lại là 6 tháng (thay vì chỉ bồi dưỡng trong 2 tuần như trước đây) và thời gian tập sự hành nghề là 06 tháng tại Văn phòng Thừa phát lại. Thừa phát lại không được kiêm nhiệm luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, quản tài viên và những công việc thường xuyên khác.
Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định về thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại là Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo văn bản đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ hơn địa vị pháp lý, trách nhiệm của Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, “Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, thực hiện các dịch vụ công, không vì mục đích lợi nhuận. Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh”.
Văn phòng Thừa phát lại không được mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng thừa phát lại và nơi đã thực hiện chế định thừa phát lại; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Văn phòng Thừa phát lại được mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện chế định thức phát lại.
Theo quy định hiện hành thì Thừa phát lại được làm 4 công việc sau: 1- Thực hiện việc tống đạt văn bản; 2- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; 3- Xác minh điều kiện thi hành án; 4- Tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi, thẩm quyền trong hoạt động tống đạt văn bản, hoạt động lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Lưu Thủy(Báo chính phủ)