Kiến nghị xem xét lại việc công bố hợp quy sản phẩm đá xây dựng

Theo phản ánh của Công ty TNHH Mạnh Cường, hiện nay chỉ có 12 tổ chức được phép công bố hợp quy vật liệu xây dựng là không bình đẳng. Chi phí để thực hiện hợp quy lớn (khoảng 110 triệu đồng), lại chỉ có giá trị trong 3 năm nên gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng.

Sản phẩm đá xây dựng là loại sản phẩm đặc thù không có hàng giả, không có hàng kém chất lượng vì đã được kiểm định đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý hóa theo quy chuẩn Quốc gia trước khi đưa mỏ vào khai thác (đây là bước khảo sát thăm dò). Do vậy, Công ty cho rằng sản phẩm này không cần phải công bố hợp quy như những vật liệu xây dựng khác.

Về kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời như sau:

Để hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 12/12/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó quy định về nguyên tắc công bố hợp quy theo đúng tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể, quy định việc công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật dựa trên một trong hai trường hợp:

- Kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

- Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Việc thử nghiệm phục vụ đánh giá hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng (Điểm b, Khoản 1, Điều 5). Để quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2014/BXD, trong đó bao gồm danh mục 64 sản phẩm, hàng hóa cần quản lý.

Tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định “Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật nêu trong Phần 2 dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Xây dựng chỉ định hoặc thừa nhận” (Khoản 3.1.1 Phần 3 QCVN 16:2014/BXD).

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì việc chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó có Bộ Xây dựng.

Hiện nay, trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2014/BXD chỉ có sản phẩm “đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ” và “đá ốp lát tự nhiên” là thuộc đối tượng phải áp dụng theo quy định tại quy chuẩn này, do đó, doanh nghiệp cần làm rõ sản phẩm “đá xây dựng” nêu trong đơn kiến nghị có thuộc 2 loại sản phẩm đá ốp lát nêu trên hay không.

Về kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy kiến nghị liên quan đến chi phí thử nghiệm, chứng nhận để thực hiện công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy hiện nay tốn kém, cần được xem xét là hợp lý.

Để triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về giảm thời gian kiểm tra, thông quan hàng hóa, kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát, xem xét loại bỏ những hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2014/BXD, trong đó có sản phẩm cốt liệu cho bê tông và vữa được nêu tại đơn kiến nghị của doanh nghiệp hoặc xem xét, thay đổi biện pháp quản lý theo hướng hậu kiểm (lựa chọn biện pháp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu).

Theo Chinhphu.vn