Công ty ông Vũ Đức Khánh (Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện (thuỷ điện). Trong quá trình vận hành nhà máy thuỷ điện, công ty vi phạm quy định về khai thác, sử dụng nước mặt.
Cụ thể là hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt vượt lưu lượng quy định của Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, lưu lượng vượt lớn nhất là 13,2 m3/s trong 3.076 giờ của 188 ngày từ ngày 10/5/2020 đến ngày 12/9/2022 để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kW đến dưới 5.000 kW tại công trình thuỷ điện quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và bị áp dụng xử phạt theo theo quy định tại Điểm d Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP. Hành vi này chưa gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.
Hiện nay Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện lập Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó đối với hành vi vi phạm của công ty ông Khánh, ngoài việc phạt tiền theo quy định tại Điểm d Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 16 Điều 9: "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này (Điều 9)".
Trong khi hành vi vi phạm của công ty ông Khánh được quy định tại Khoản 3 Điều 10 (khai thác, sử dụng nước mặt vượt lưu lượng quy định) chứ không phải là tại Điều 9 (thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định).
Ông Khánh hỏi, công ty ông bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "khai thác, sử dụng nước mặt vượt lưu lượng quy định" quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP bao gồm phạt tiền quy định tại Điểm d Khoản 7 Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và phạt bổ sung khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 16 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP có đúng với quy định hiện hành của pháp luật hay không?
Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý, các pháp luật đều quy định tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản công phải có nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Việc khai thác sử dụng tài sản công không thực hiện nghĩa vụ tài chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với tài nguyên nước, việc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp thông qua giấy phép và phải thực hiện các quy định của giấy phép (trừ trường hợp khai thác, sử dụng nước với quy mô hộ gia đình).
Trường hợp vi phạm quy định của giấy phép thì xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP.
Trường hợp khai thác vượt lưu lượng quy định trong giấy phép thì phần lưu lượng vượt quá phải được coi là khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép theo các quy mô vượt và buộc phải áp dụng xử phạt vi phạm hành chính như trường hợp không có giấy phép.
Theo thông tin ông Khánh trình bày, công ty của ông đã có hành vi khai thác vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép. Đối với hành vi này, tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP quy định:
"Đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép thì phần lưu lượng vượt quá quy định áp dụng xử phạt theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và Khoản 14 Điều 9 của Nghị định này".
Và khi bị xử phạt theo quy định về hành vi không có giấy phép thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 16 Điều 9 của Nghị định này. Tại Khoản 16 Điều 9 quy định:
"16. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;".
Đồng thời, tại Điểm q Khoản 3 Điều 4 quy định:
"r) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, cụ thể như sau:
Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác nước cho các mục đích sản xuất phi nông nghiệp khác với sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm bằng (=) tổng lượng nước khai thác nhân (x) giá bán nước sạch cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác sử dụng tài nguyên nước".
Do đó, khi khai thác, sử dụng nước vượt quá lưu lượng cho phép thì phần lưu lượng vượt quá bị xử phạt vi phạm hành chính như trường hợp không có giấy phép và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Theo Đăng Khôi (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/khai-thac-tai-nguyen-nuoc-qua-luu-luong-cho-phep-bi-phat-the-nao-102221211165557251.htm