Tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định: "Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng trích lập các quỹ theo quy định".
Ngày 5/4/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 3074/HCSN-BTC về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Theo đó, tại Điểm 2 Công văn số 3074/HCSN-BTC, Bộ Tài chính đã trình xin ý kiến Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm như trong năm 2021.
Ông Toàn hỏi, hiện tại đơn vị ông có thể thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho viên chức và người lao động như trong năm 2021 không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Ngày 5/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022, theo đó tại Điều 1 quy định về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022 trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định đã được giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2022.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phê duyệt phương án tự chủ tài chính thì thực hiện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
- Từ năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt.
Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định đã được giao quyền tự chủ tài chính theo quy định, thì được tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2022; đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phê duyệt phương án tự chủ tài chính thì thực hiện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt.
Vì vậy, đề nghị ông căn cứ các quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện việc trích lập, sử dụng các quỹ, chi trả thu nhập tăng thêm phù hợp với quy định hiện hành.
Theo Mai Chi (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/chi-thu-nhap-tang-them-nam-2022-theo-quy-dinh-nao-102221019161727669.htm